Home Thông tin du lịch Tin tức du lịch Tham quan Chùa Bái Đính

Tham quan Chùa Bái Đính

3


Tham quan Chùa Bái Đính – Ninh Bình

Giới thiệu cơ bản về Chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An thuộc địa bàn xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây cách Tp. Ninh Bình khoảng 18 km và cách thủ đô Hà Nội khoảng 100 km. Bái Đính được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, được biết đến với nhiều kỷ lục Châu Á và Việt Nam như. Chùa có tượng Phật giát vàng lớn nhất Châu Á, Hành lang La Hán dài nhất Châu Á, Tháp xá lợi Phật cao nhất Châu Á và Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á…

chùa Bái Đính- Ninh Bình

chùa Bái Đính- Ninh Bình

Chùa Bái Đính nằm ở phía bắc của quần thể di sản thế giới Tràng An là điểm tham quan trọng điểm khi du khách đến với Ninh Bình.

Giá vé tham quan tại Chùa Bái Đính

  • Vé xe điện: 60.000đ/người
  • Vé thăm quan Bảo tháp: 50.000đ/ người
  • Giá vé hướng dẫn viên: 300.000đ/ tour

Thời điểm tham quan lý tưởng tại Chùa Bái Đính

Là một khu du lịch tâm linh vô cùng nổi tiếng, các bạn có thể du lịch Bái Đính vào bất kỳ thời gian nào trong năm, miễn là phù hợp với kế hoạch cá nhân của bạn. Tại đây, Lễ hội chùa Bái Đính được tổ chức từ chiều mùng 1 tết, khai mạc ngày mùng 6 tết và kéo dài đến hết tháng 3 (âm lịch). Nếu đi Bái Đính vào thời điểm này khả năng rất cao là luôn đông đúc, hiếm có những khoảng không gian tĩnh lặng để vãn cảnh chùa. 

Lê hội Chùa Bái Đính

Địa điểm lưu trú ở Chùa Bái Đính – Ninh Bình

Nếu chỉ đi Bái Đính trong ngày, chắc các bạn cũng không cần quan tâm tới các khách sạn hay nhà nghỉ tại Bái Đính làm gì. Tuy nhiên, với những bạn muốn đi thăm thú nhiều nơi ở Ninh Bình mà Bái Đính chỉ là một trong những điểm đến thì có thể sẽ quan tâm tới việc lưu trú ở đây. Sau đây Smile Travel cập nhật một số homestay được đánh giá tốt để bạn tham khảo:

  • HOMESTAY Ninh Binh Mountain View Homestay
    Địa chỉ: Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình
  • RESORT Emeralda Resort Ninh Bình
    Địa chỉ: Khu Bảo Tồn Vân Long, Xã Gia Vân, Gia Viễn, Ninh Bình
  • HOMESTAY Ninh Binh Nature Homestay
    Địa chỉ: Gia Vân, Gia Viễn, Ninh Bình
  • NHÀ NGHỈ Nhà nghỉ Hoàng Anh
    Địa chỉ: Thị trấn Me, Gia Viễn, Ninh Bình
  • NHÀ NGHỈ Nhà nghỉ Hà Trang
    Địa chỉ: QL1A, Gia Xuân, Gia Viễn, Ninh Bình
  • HOMESTAY Bai Dinh Eco Homestay
    Địa chỉ: Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình
  • HOMESTAY Ninh Binh Friendly Homestay
    Địa chỉ: Xóm 5, Chùa Bái Đính, Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình

Emeralda resort Nnh Bình

Phương tiện di chuyển từ Hà Nội – chùa Bái Đính

Ninh Bình là địa điểm du lịch nổi tiếng tại Miền Bắc nước ta (cách Hà nội khoảng 90km) nên việc di chuyển tới đây cũng rất thuận lợi, bạn có thể lựa chọn một số các phương tiện sau:

  • Xe khách: Các tuyến xe đi Ninh Bình từ Hà Nội đều xuất phát từ bến xe Giáp Bát và kết thúc ở bến xe trung tâm Ninh Bình. Từ bến xe Ninh Bình bạn có thể đi taxi hoặc xe ôm để đến với Chùa Bái Đính
  • Ô tô cá nhân: bạn đi từ Hà Nội theo đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình, với khoảng cách khoảng 90km chỉ mất khoảng 1 tiếng các bạn sẽ tới được trung tâm Tp Ninh Bình. Từ đây đi tới các địa điểm du lịch trong tỉnh hầu như không quá 30km.

  • Xe máy: bạn đi theo hướng quốc lộ 1A cũ đi thẳng Thanh Trì – Phú Xuyên – chạy thẳng đến Phủ Lý – Hà Nam – tới Ninh Bình và tới các địa điểm tham quan.

Những điểm tham quan chính tại Chùa Bái Đính

Khu Chùa Bái Đính cổ

Chùa Bái Đính cổ (Bái Đính cổ tự) nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800 m về phía nam. Khu chùa này quay hướng chính tây, nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh. Gồm có một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là hang sáng thờ Phật. Rồi đến đền thờ thần Cao Sơn ở sát cuối cửa sau của hang sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến động tối thờ mẫu và tiên. Nơi đây nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Năm 1997 chùa được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa – cách mạng cấp quốc gia. Mặc dù khu chùa có lịch sử hình thành từ thời Đinh với đền thờ Cao Sơn trấn tây Hoa Lư tứ trấn nhưng chùa Bái Đính cổ có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của thời Lý.

Chùa Bái Đính cổ linh thiêng

Hang sáng, động tối

Lên thăm hang động ở núi Bái Đính phải bước trên 300 bậc đá, qua cổng tam quan ở lưng chừng núi. Lên hết dốc là tới ngã ba: bên phải là hang sáng thờ Phật và Thần, bên trái là động tối thờ Mẫu và Tiên. Phía trên cửa hang sáng có 4 chữ đại tự “Minh Đỉnh Danh Lam” khắc trên đá do vua Lê Thánh Tông ban tặng có nghĩa là: “Lưu danh thơm cảnh đẹp”.

Động dài 25m, rộng 15m, cao trung bình là 2m, nền và trần của động bằng phẳng. Đi tiếp theo ngách đá bên trái cuối hang sẽ dẫn tới một cửa hang sáng và rộng, một thung lũng xanh hiện ra. Nếu đi tiếp xuống các bậc đá sẽ đến đền thờ thần Cao Sơn. Quay trở lại ngã ba đầu dốc, theo đường rẽ trái khoảng 50m là tới động Tối. Động Tối lớn hơn hang Sáng, gồm 7 buồng, có hang trên cao, có hang ở dưới sâu. Các hang đều thông nhau qua nhiều ngách đá, có hang nền bằng phẳng, có hang nền trũng xuống như lòng chảo. Có hang trần bằng, có hang được tạo hóa ban tặng cho một trần nhũ đá rủ xuống muôn hình vạn trạng. Trong động tối có giếng ngọc tạo thành do nước lạnh từ trần động rơi xuống. Các vị Tiên được thờ ở nhiều ngách trong động.

Hang sáng – động tối chùa Bái Đính cổ

Đền thờ thánh Nguyễn

Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không là người sáng lập chùa Bái Đính. Ông là một thiền sư, pháp sư tài danh được vua phong Quốc sư và nhân dân tôn sùng gọi là đức thánh Nguyễn. Khu vực núi Đính nằm cách quê hương đức thánh Nguyễn Minh Không 4 km. Tương truyền khi ông đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông đã phát hiện ra các hang động đẹp liền dựng chùa thờ Phật và tạo dựng một vườn thuốc quý để chữa bệnh cho dân. Đền thánh Nguyễn nằm ngay tại ngã ba đầu dốc, xây theo kiểu tựa lưng vào núi, trong đền có tượng của ông được đúc bằng đồng.

Quốc sư Nguyễn Minh Không là con người mang ánh xạ của thời đại nhà Lý. Ông đã học hỏi, sưu tầm những kiến thức y học dân gian, hàng ngày tìm thuốc trong vườn Sinh Dược mà trở thành danh y, chữa bệnh lạ cho Vua. sưu tầm và phục hưng nghề đúc đồng – tinh hoa của văn minh Đông Sơn – văn minh Việt cổ mà trở thành tổ sư nghề đúc đồng. Ông khó công tầm sư học đạo, để từ một nhà sư ở từ phủ Tràng An ra kinh thành làm Quốc sư, đứng đầu hàng tăng ni trong nước, danh vọng và đạo pháp đạt đến đỉnh cao. Hành trạng của ông thể hiện nên cái không khí của Phật giáo thời Lý thần bí, kỳ dị, đầy rẫy sự hoang đường nhưng đóng góp hết sức tích cực vào công cuộc phục hưng và phát triển văn hoá dân tộc Việt Nam về nhiều mặt: triết lý, văn học, kiến trúc, mỹ thuật, kỹ nghệ… làm nền tảng cho sự phát triển của văn hoá Việt sau này.

Đền thờ Thánh Nguyễn

Đền thờ thần Cao Sơn

Đi hết hang sáng có một lối dẫn xuống sườn thung lũng của rừng cây sưa là đền thờ thần Cao Sơn, vị thần cai quản vùng núi Vũ Lâm. Đinh Bộ Lĩnh từ thuở còn hàn vi đã được mẹ đưa vào sống cạnh đền sơn thần trong động. Khi xây dựng kinh đô Hoa Lư, Đinh Tiên Hoàng Đế cũng cho xây dựng 3 ngôi đền để thờ các vị thần trấn giữ ở 3 vòng thành mà dân gian gọi là Hoa Lư tứ trấn.Theo đó, thần Thiên Tôn trấn giữ cửa ngõ vào vòng thành phía Đông, thần Quý Minh trấn giữ cửa ngõ vào thành Nam và thần Cao Sơn trấn giữ cửa ngõ vào vòng thành phía Tây. Ngôi đền thần Cao Sơn hiện tại được tu tạo có kiến trúc gần giống với đền Thánh Nguyễn, cũng xây tựa lưng vào núi, có hành lang ngăn cách với thung lũng ở phía trước. Theo truyền thuyết, thần Cao Sơn là một trong 50 người con của Lạc Long Quân – Âu Cơ. Đền thờ chính của thần ở Phụng Hóa (Nho Quan, Ninh Bình). Vị thần này có công phù trợ quân Lê Tương Dực diệt được Uy Mục, sau cũng được dân làng Kim Liên rước về thờ và được phong là Cao Sơn đại vương trấn phía Nam kinh thành, một trong Thăng Long tứ trấn.

Theo như thần phả của đền núi Hầu (xã Yên Thắng, Yên Mô, Ninh Bình) thì Cao Sơn đại vương là Lạc tướng Vũ Lâm, con thứ 17 vua Lạc Long Quân. Khi đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng ở hành cung Vũ Lâm, đã tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang lang (dân địa phương vẫn gọi là cây quang lang hay cây búng báng). Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại vì vậy đã được nhân dân lập đền thờ. Thần Cao Sơn cùng với thần Thiên Tôn và thần Quý Minh là ba vị thần trấn ngự ở ba cửa ngõ phía tây, đông và nam của cố đô Hoa Lư.

Giếng ngọc

Giếng ngọc của chùa Bái Đính cổ nằm gần chân núi Bái Đính. Tương truyền đây là nơi thiền sư Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không đã lấy n­ước để sắc thuốc chữa bệnh cho dân và chữa bệnh cho Vua Lý Thần Tông. Giếng được xây lại hình mặt nguyệt, rất rộng, có đường kính 30 m, độ sâu của n­ước là 6m, không bao giờ cạn nước. Miệng giếng xây lan can đá. Khu đất xung quanh giếng hình vuông, có diện tích 6.000 m², 4 góc là 4 lầu bát giác. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã cấp bằng “Xác nhận kỷ lục”: “Chùa Bái Đính là ngôi chùa có giếng lớn nhất Việt Nam” vào ngày 12 tháng 12 năm 2007.

Giếng Ngọc

Khu Chùa Bái Đính mới

Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 1700 ha bao gồm khu chùa Bái Đính cổ, khu chùa Bái Đính mới và các khu vực như: công viên văn hoá và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đố xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh…

Tham quan chuông đồng lớn nhất Việt Nam

Chùa Bái Đính mới còn nổi tiếng với nhiều hạng mục công trình có tầm vóc lớn trong khu vực Đông Nam Á. Chuông bằng đồng lớn nhất Việt Nam có chiều cao 5,5 m, đường kính rộng 3,5 m và có khối lượng đến 36 tấn. Chuông đồng được chạm khác nhiều mảng cổ tự bằng chữ Hán và trang trí các hình rồng nổi vô cùng sinh động.

Chuông đồng lớn nhất Việt Nam tại Chùa Bái Đính

Hành lang La Hán

Hành lang La Hán tại Chùa Bái Đính gồm 2 dãy bắt đầu từ cổng Tam Quan Nội chạy dọc thẳng đến hai nhà Tả vu và Hữu vu với chiều dài 1.700m. Tại đây, đặt 500 pho tượng La Hán bằng đá xanh nguyên khối do các nghệ nhân ở làng nghề đá Ninh Vân, Hoa Lư tạc. Mỗi pho tượng cao trung bình 2,5m, nặng từ 2 – 4 tấn. Kỹ thuật chạm khắc các tượng La Hán ở chùa Bái Đính được tỉa tót rất công phu, đường nét rất tao nhã, uyển chuyển, mềm mại. Phía trước bệ của 500 tượng La Hán đều có chạm khắc tên của từng Tôn Giả, bằng tiếng Việt (trên), tiếng Trung Quốc (dưới) và có đánh số thứ tự để du khách dễ nhận biết và tìm hiểu thông tin.

Hành lang La Hán

Đặc sản nên thưởng thức ở Ninh Bình

  • Thịt dê núi
  • Cơm cháy
  • Gỏi cá nhệch Kim Sơn
  • Ốc núi Ninh Bình
  • Gà ri Cúc Phương
  • Cá rô Tổng Trường
  • Dứa Đồng Giao

Xem thêm tour 1 ngày từ Hà Nội:

Smile Travel hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho các bạn.

Chúc các bạn có một chuyến trải nghiệm Chùa Bái Đính thật vui vẻ và ý nghĩã!

SMILE TRAVEL Co.,LTD
? Văn phòng GD: Số 4 Ngõ 266 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, HN.
? E-mail: info@smiletravel.com.vn ? Tel:  024.66.86.62.87
? Hotline tư vấn 24/7: 0️869 167 868
? Dịch Tour: 0865 283 168 – 0865 238 168
? Dịch Visa:  0988 989 973 – 0865 382 168
? Website: www.smiletravel.com.vn or www.tourduthuyenhalong.vn



Source link