Home Thông tin du lịch Tin tức du lịch Tất tần tật kinh nghiệm du lịch Cao Bằng bạn nên biết

Tất tần tật kinh nghiệm du lịch Cao Bằng bạn nên biết

2


Loading…

Du lịch vùng Đông Tây Bắc của Việt Nam luôn là một cuộc hành trình đem lại cho chúng ta những trải nghiệm thú vị. Khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ cùng nền ẩm thực đặc sắc, mang đậm hương vị núi rừng luôn có một sức hấp dẫn và cuốn hút đến kỳ lạ đối với những tín đồ du lịch thích khám phá.

Nói đến du lịch vùng núi cao của Việt Nam thì đa phần mọi người thường sẽ nghĩ ngay đến những điểm nổi tiếng những Sơn La, Lào Cai,… Trong một vài năm gần đây có một điểm đến mà bất cứ ai yêu thích du lịch khám phá cũng không thể nào bỏ qua được đó chính là Cao Bằng. Cao Bằng vẫn luôn được ví như là một “viên ngọc xanh” của vùng núi Đông Bắc. Nếu các bạn đang có ý định đi du lịch Cao Bằng trong thời gian tới thì hãy đọc những kinh nghiệm du lịch Cao Bằng mà chúng tôi chia sẻ dưới đây nhé.

Giới thiệu đôi nét về Cao Bằng

Cao Bằng là một tỉnh miền múi cao, nằm ở khu vực vùng núi Đông Bắc của Việt Nam. Phía Bắc của Cao Bằng giáp với tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, phía Tây giáp với 2 tỉnh là Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp với Bắc Cạn và Lạng Sơn. Đến du lịch Cao Bằng các bạn sẽ có cơ hội được tham quan rất nhiều những khu di tích lịch sử, văn hóa có giá trị. Không những vậy, Cao Bằng còn được thiên nhiên ban tặng cho những cảnh đẹp tựa chốn thiên đường. Trong đó nổi tiếng nhất là thác Bản Giốc.

Nên du lịch Cao Bằng mùa nào?

Khí hậu Cao Bằng chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 và mùa khô khéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau:

+ Nếu các bạn có ý định du lịch thác Bản Giốc thì nên đi vào khoảng tháng 8 – 9, lúc này thác nhiều nước sẽ rất đẹp.

+ Nếu thích đi Cao Bằng ngắm hoa, các bạn có thể đi vào tầm cuối năm khoảng tháng 11, lúc này là mùa hoa Tam Giác Mạch (tương đương với mùa hoa Tam Giác Mạch ở Hà Giang)

+ Nếu thích ngắm băng tuyết, các bạn nên đi vào mùa đông (cuối năm trước đến khoảng đầu năm sau), thời điểm này ở phía rừng Pia Oắc nhiệt độ hạ thấp nên rất có thể xảy ra hiện tượng này.

Hướng dẫn đi đến Cao Bằng

Do tính chất địa hình tỉnh Cao Bằng chủ yếu là đồi núi, đường giao thông có rất nhiều đèo vực cao, nên việc đi lại khá khó khăn. Bạn chỉ có thể đến được Cao Bằng bằng đường bộ; đi xe khách hoặc dùng ô tô, xe máy cá nhân lên Cao Bằng. Có hai hướng đi chính để đến Cao Bằng nếu xuất phát từ Hà Nội:

  • Đi đến Cao Bằng từ Hà Nội theo đường trục đường quốc lộ 3, qua hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Trước kia đây là tuyến đường chính để đến Cao Bằng với tổng chiều dài quãng đường khoảng 270 km.
  • Tuyến đường thứ 2 để đi từ Hà Nội đến Cao Bằng là di chuyển theo quốc lộ 1A đến thành phố Lạng Sơn, tiếp tục đi tiếp theo trục đường quốc lộ 4A để đến thành phố Cao Bằng. Chiều dài quãng đường này khoảng 290 km, không xa hơn so với hướng đi quốc lộ 3.

Xe khách:

Bến xe Mỹ Đình tập chung rất nhiều xe khách đi Cao Bằng, đa phần là các xe giường nằm, các xe thường hay di chuyển vào khung giờ buổi tối. Bạn có thể lựa chọn gửi xe máy theo xe khách (nên thỏa thuận giá cả với nhà xe trước khi đi) hoặc thuê xe máy khi đến thành phố Cao Bằng để đi tham quan được nhiều điểm du lịch hơn.

Xe máy:

Nếu bạn chọn đi xe máy, ô tô cá nhân từ Hà Nội đến Cao Bằng để đảm bảo an toàn, bạn nên chuẩn bị sức khỏe tốt, tay lái phải vững vì đường lên Cao Bằng rất hẹp và nhiều đèo dốc vực sâu, phương tiện giao thông di chuyển nhiều. Đổi lại bạn sẽ chủ động về mặt thời gian và đi tham quan được nhiều điểm du lịch hơn. Quãng đường di chuyển vẫn là 2 tuyến đường quốc lộ 3, quốc lộ 1A như đã nêu trên.

Những điểm du lịch ở Cao Bằng

Vùng đất biên ải ngoài phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ thì Cao Bằng còn có rất nhiều các công trình, di tích lịch sử ấn tượng. Sau đây là một số địa điểm du lịch ở Cao Bằng nhất định phải phải đến thăm:

Thác Bản Giốc

Khu du lịch thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, cách thành phố Cao Bằng khoảng 90 km về phía Bắc. Thác Bản Giốc là món quà vô giá của thiên nhiên dành cho Cao Bằng, đây cũng là một trong những thác nước đẹp nhất của Việt Nam. Thác Bản Giốc nước bắt nguồn từ sông Quây Sơn, khu vực biên giới Trung Quốc chảy về phía Việt Nam, dọc theo dòng chảy sông Quây Sơn là phong cảnh đẹp như tranh vẽ, môi trường trong lành với thảm cỏ, rừng xanh, mây trắng lấp lánh hòa quyện với bầu không khí yên bình của các bản làng dân tộc miền núi.

Với chiều cao 53 m và chiều rộng 300 m, thác nước được chia thành 3 tầng bao gồm các dòng chảy nhỏ và lớn. Các khối nước lớn rơi vào các bậc đá vôi, tạo ra một bức màn phun trắng tuyệt đẹp. Từ xa, du khách có thể nghe tiếng ầm ầm của thác nước vang vọng trong một khu vực rộng lớn. Đoạn giữa thác nước là một gò đất đá lớn bao phủ bởi cây, chia dòng chảy sông Quây Sơn thành ba dòng nước trông giống như ba dải lụa trắng.

Ở chân thác là một khoảng rộng mênh mông như hồ nước với hai bên bờ xung quanh là cây cối và các thửa ruộng trồng lúa. Vào những ngày hè nóng bức, thác là địa điểm tránh nóng mát mẻ. Mỗi sáng sớm, mặt trời chiếu xuyên qua hơi nước tạo nên một cầu vồng lấp lánh tạo nên khung cảnh thần tiên tuyệt đẹp. 

Động Ngườm Ngao

Động Ngườm Ngao nằm trong bản Gun, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, chỉ cách thác Bản Giốc 3 km. Động Ngườm Ngao được hình thành từ đá vôi phong hóa từ lâu đời với gió và nước. Đây được đánh giá là một trong những hang động đẹp nhất ở phía Đông Bắc Việt Nam. Hang động được người dân địa phương phát hiện vào năm 1921 sau đó mở cửa cho khách du lịch từ năm 1996. Với chiều dài 2.144 m, động Ngườm Ngao là một hang động tương đối khổng lồ, bao gồm ba lối vào chính là Ngườm Ngao, Ngườm Lồm và Bản Thuôn.

Hiện tại, tỉnh Cao Bằng chỉ khai thác du lịch được 900 m bên ngoài. Phong cảnh bên trong hang động đẹp như tranh vẽ, liên tưởng đến một vùng đất kỳ lạ. Tham quan hang động, du khách đi vào cửa Ngườm Lồm và ra tại cửa Ngườm Ngao. Đi vào bên trong hang động, du khách sẽ choáng ngợp bởi những nhũ đá bảy màu đẹp tuyệt vời treo lơ lửng trên những vách đá từ trên cao. Qua quá trình thời gian hình thành rất nhiều năm, các hoạt động địa chất trong hang động đã tạo ra những bức tượng bằng đá trông giống như cơ thể con người, một số nhũ đá trông giống như hình cây, động vật, nàng tiên…

Du khách có thể cảm nhận sự kết hợp hài hòa kỳ diệu giữa đá và nước. Hang động liên tục co hẹp và mở rộng không gian khi đi sâu vào bên trong, tạo cho du khách một cảm giác bất ngờ lớn. Động Ngườm Ngao với vẻ đẹp nguyên sơ đã tạo nên một cảnh quan thiên nhiên không chỉ tuyệt đẹp, hấp dẫn mà còn đầy sự khác biệt. 

Khu di tích lịch sử Pác Pó

Khu di tích Pác Pó thuộc xã Trung Hòa, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nơi đây được biết đến là khu căn cứ kháng chiến cách mạng quan trọng thời chống Pháp. Cột mốc số 0 đường Hồ Chí Minh lịch sử được đặt tại di tích Pác Pó. Đường vào Khu di tích Pác Pó khá thuận tiện. Đến nơi, bạn đi vòng qua một quả đồi để tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh mới được xây dựng, đi tiếp du khách sẽ thấy khu vực lịch sử Pác Pó. Các di tích lịch sử chính trong khu vực này bao gồm hang Cốc Bó, hang Bô Bam, suối Lê nin, núi Các Mác, suối Nậm.

Hang Cốc Bó là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp huấn luyện cán bộ và tổ chức các cuộc họp quan trọng trong thời kỳ cách mạng của Việt Nam sau thời gian 30 năm ở nước ngoài. Đi bộ trên những tảng đá dọc theo dòng suối, nơi Bác Hồ đã từng làm việc và câu cá, du khách đến một cây cầu gỗ, nơi khởi nguồn của suối Lênin. Cạnh sườn núi đá gồ ghề là hang Pác Pó. Bên ngoài cửa hang, bạn sẽ nhìn thấy dòng chữ “ngày 08 tháng 2 ngày năm 1941” được Bác Hồ viết trên vách đá. Bên trong hang có một cái bảng gỗ làm giường cho Bác Hồ. Ở nơi này, Bác Hồ, trong trang phục đơn giản của người dân tộc Nùng, thường ngồi bên đống lửa vào ban đêm để bàn việc với Ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Phùng Chí Kiên… về những tình hình chính trị trong và ngoài nước.

Địa danh lịch sử này là nơi đưa ra nhiều quyết sách quan trọng trong thời kỳ cách mạng, đấu tranh và bảo vệ nền độc lập Việt Nam. Tham quan khu vực lịch sử này, ngoài phong cảnh thiên nhiên hoang sơ trong lành du khách sẽ tìm hiểu thêm về cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại trong lịch sử Việt Nam.

Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc

Ngôi chùa đầu tiên được xây dựng giáp biên giới phía Bắc. Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Chùa cách thác Bản Giốc khoảng 500 m. Đây là công trình văn hóa tâm linh quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế xã hội, tín ngưỡng với tầm nhìn xây dựng cụm các địa điểm du lịch quanh thác Bản Giốc trở thành một khu du lịch trọng điểm mang tầm vóc Quốc gia.

Chùa được xây dựng trên ngọn núi Phia Nhằm, tầm nhìn có thể quan sát toàn bộ khu vực thác Bản Giốc. Kiến trúc Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc vẫn theo kiểu kiến trúc truyền thống của chùa cổ Việt Nam, vật liệu chính vẫn là đá và gỗ. Chùa là nơi thờ tự Thần và các vị anh hùng dân tộc. Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc là nơi du lịch tâm linh thu hút đông đảo khách thập phương đến du lịch tham quan.

Làng rèn Phúc Sen

Phúc Sen là một xã thuộc huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Làng rèn nằm ngay trên trục đường quốc lộ 3 hướng đi Trùng Khánh, thác Bản Giốc và cách thành phố Cao Bằng 30 km về phía Đông. Người địa phương sinh sống ở đây đa phần là người dân tộc Nùng. Trải qua rất nhiều biến động lịch sử Phúc Sen vẫn giữ được nhiều nét truyền thống từ lâu đời, điển hình là nghề rèn dao, công cụ phục vụ lao động sản xuất.

Làng rèn Phúc Sen đã trải qua rất nhiều thế hệ nhưng không hề bị mai một mà ngày càng phát triển và mở rộng hơn. Đa phần các hộ dân sinh sống ở đây theo nghề rèn với số lượng lên đến hàng trăm thợ rèn lành nghề. Sản phẩm làng nghề ở đây chủ yếu là dao, tuy sản phẩm mẫu mã không thực sự bắt mắt nhưng chất lượng rất tốt, vượt trội về độ sắc bén và bền chắc. Tham quan du lịch làng rèn Phúc Sen các bạn sẽ được khám phá công việc lao động sản xuất của những người thợ thủ công lành nghề, một trải nghiệm rất thú vị không nên bỏ qua.

Hồ Thang Hen

Hồ Thang Hen thuộc xã Quốc Toàn, huyện Trà Lĩnh. Hồ nằm ở độ cao 1.000 m so với mực nước biển, hồ Thang Hen là một trong những hồ đẹp ở vùng núi phía Đông Bắc. Trong khu vực xung quanh hồ có cảnh quan tuyệt đẹp với những hàng cây mọc lên trên vách đá dốc dựng đứng và phản chiếu trên mặt nước trong xanh, dòng nước uốn lượn len lỏi bên trong thung lũng bao quanh bởi các khối núi đá vôi cùng tảng đá ngầm ẩn dưới lòng đất.

Hồ có chiều dài trên 500 m và chiều rộng khoảng 300 m. Ở phía bên kia của hồ có một hang động lớn, hang động này có nguồn nước chảy ra quanh năm. Vào mùa mưa, trong khi các hồ khác có màu nước đục thì nước ở hồ Thang Hen vẫn trong xanh lạ kỳ. Vào mùa khô, mực nước xuống thấp nhất khoảng 10 m.

Ngày nay, hồ Thang Hen Cao Bằng trở thành một điểm du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái. Từ thành phố Cao Bằng, bạn đi theo đường quốc lộ 3 hướng đi thác Bản Giốc, sau đó đến khu vực đèo Mã Phục – UBND xã Quốc Toản bạn rẽ phải dọc theo đường 205 khoảng 20 km để đến hồ Thang Hen.

Thác Nặm Trá

Núi Mắt Thần (núi đá thủng), thác Nặm Trá nằm trong thung lũng thuộc xóm Bản Danh, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh. Địa điểm này cách hồ Thanh Hen khoảng 2 km, nơi đây là khu vực thiên nhiên hoang sơ, cách xa khu dân cư sinh sống, nên vậy các phượt thủ đi phượt Cao Bằng thường hay gọi với cái tên Tuyệt tình cốc Cao Bằng. Theo người dân địa phương ở đây cho biết: Mực nước tại khu vực này lên xuống theo từng thời điểm trong năm. Vào mùa mưa khoảng từ tháng 6 đến tháng 8, nước dâng lên cao làm ngập toàn bộ khu vực hồ Nặm Trá, đến khoảng tháng 9, tháng 10 nước rút hết, người dân mới đem thả trâu bò quanh bờ hồ.

Thác Nặm Trá không cao, thác giống như một dòng suối dốc chảy uốn lượn qua các mỏm đá rêu bám phủ xanh nhìn rất sinh động. Thời gian gần đây khu vực núi Mắt Thần, thác Nặm Trá đang được rất nhiều người chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Với phong cảnh hoang sơ, chưa có sự tác động nhiều bởi du lịch. Nơi đây rất thích hợp cho một chuyến đi dã ngoại cắm trại ngoài trời.

Đèo Mã Phục

Nằm cách thành phố Cao Bằng 30 km về phía Đông là đèo Mã Phục. Đèo chính là điểm ranh giới giữa hai huyện Hòa An và Trà Lĩnh. Đèo Mã Phục dài khoảng 4 km, cao 700 m, tuy chưa dài bằng các đường đèo khác ở miền Bắc nhưng đèo Mã Phục có một số đoạn cua khá nguy hiểm, đây có thể coi là con đường độc đạo đi các huyện vùng cao phía Đông Bắc của Cao Bằng. Dừng chân trên đèo Mã Phục bạn có thể quan sát toàn bộ một khu vực cánh đồng rộng lớn với các dãy núi đá vôi kéo nhau trùng điệp về phía xa đường chân trời.

Nếu bạn đi vào mùa lúa chín sẽ còn đặc biệt hơn, bạn sẽ được nhìn ngắm khung cảnh màu sắc rực rỡ, màu vàng của lúa bao quanh là một màu xanh ngắt núi rừng. Thời gian ngắm nhìn khung cảnh đèo Mã Phục đẹp nhất là vào thời điểm hoàng hôn trong ngày.

Đèo Khau Liêu

Đèo Khau Liêu nằm ngay trên trục đường tỉnh lộ 206 hướng đi thác Bản Giốc, thuộc địa phận xã Quảng Hưng, huyện Trùng Khánh, cách thành phố Cao Bằng hơn 40 km về phía Đông. Không được nổi tiếng như đèo Mã Phục nhưng đèo Khau Liêu vẫn mang một vẻ đẹp rất riêng để lại ấn tượng khi du khách đi qua đây.

Đèo Khau Liêu theo tiếng địa phương của người dân tộc Tày là “mềm mại” chính vì thế mà quãng đường đèo uốn lượn quanh như dòng suối chảy qua hai khe núi. Khung cảnh quanh đèo là phong cảnh thiên nhiên rất yên bình, đèo Khau Liêu như một nét chấm phá giữa non nước Cao Bằng hùng vĩ.

Phia Đen – Phia Oắc

Với tổng diện tích khoảng 24.631 ha, khu vực Phia Đen gồm các xã Thành Công, Phan Thanh, Quảng Thanh, Thị trấn Tĩnh Túc thuộc địa phận huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Khu vực Phia Đen – Phia Oắc có độ cao khoảng 1.500 – 2.000 m so với mực nước biển. Tại đây có rất nhiều các loài thực vật, động vật phong phú với nhiều loài quý hiếm thu hút khách du lịch nước ngoài đam mê đến tìm hiểu khám phá thiên nhiên. Phia Đen có địa hình đồi núi cao, rất nhiều hang động chưa được khám phá, bao quanh khu vực là rừng nguyên sinh có diện tích rất lớn. Phia Đen – Phia Oắc rất có tiềm năng du lịnh và chưa khai thác, nhiều nơi vẫn còn rất hoang sơ tự nhiên. Khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ như Sa Pa, Tam Đảo. Tại Phia Đen, vẫn còn một số di tích biệt thự cổ của người Pháp xây dựng còn xót lại qua chiến tranh. Đến đây, du khách cũng có cơ hội tìm hiểu về đời sống văn hóa người dân tộc Dao. Họ có kiến ​​trúc nhà và nếp sinh hoạt sản xuất rất riêng biệt.

Di tích rừng Trần Hưng Đạo

Rừng Trần Hưng Đạo là khu rừng nhiệt đới nguyên sinh thuộc địa phận hai xã Tam Kim và Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, cách thành phố Cao Bằng khoảng 50 km về phía Tây Nam. Nơi đây không chỉ là khu vực sinh thái phong cảnh rừng núi hoang sơ mà còn là di tích lịch sử nổi tiếng của tỉnh Cao Bằng trong thời kỳ chống Pháp.

Nhà trưng bày Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo được khánh thành vào ngày 22/12/2014 nhân dịp kỷ niệm 70 thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhà trưng bày có 2 tầng được xây theo kiểu kiến trúc nhà sàn, bên trong trưng bày các hiện vật, tư liệu về lịch sử vùng đất Cao Bằng; quá trình hình thành của đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngoài Nhà trưng bày ra còn có rất nhiều điểm di tích nhỏ khác khi đi sâu vào trong rừng Trần Hưng Đạo.

Thời gian trước kia, khu vực rừng Trần Hưng Đạo nằm khá cách biệt với các địa điểm du lịch nổi tiếng khác ở Cao Bằng nên cũng ít nhiều du khách biết đến. Thời điểm gần đây khu di tích được cơ quan Nhà nước đầu tư và tu sửa nhiều nên việc tham quan du lịch rất thuận tiện. Di tích rừng Trần Hưng Đạo không chỉ là điểm đến tham quan các di tích lịch sử, ở đây còn có phong cảnh thiên nhiên núi rừng tuyệt đẹp, nhiều cây cổ thụ lớn, không khí trong lành, yên tĩnh.

Ăn gì khi đến Cao Bằng

Vịt quay 7 vị

Gọi là vịt quay 7 vị vì món đặc sản Cao Bằng này được chế biến từ 7 loại gia vị khác nhau. Quá trình sơ chế và tẩm ướp vịt rất kỹ càng và cẩn thận tỉ mỉ. Vịt quay xong được chặt ra đĩa, lớp da vịt giòn bóng màu cánh gián, thịt vịt thơm và dai, ngọt, mềm. Thưởng thức món vịt quay 7 món sẽ đem lại một trải nghiệm vị giác tuyệt vời, bạn nên nhai chậm để có thể cảm nhận được hết các hượng vị đặc biệt của món ăn. 7 gia vị để ướp vịt đã tạo ra một hương vị tuyệt vời, đây cũng chính ra bí quyết gia truyền riêng của từng quán.

Bánh áp chao

Bánh áp chao rất thích hợp ăn vào mùa đông, trong những ngày giá rét mà thưởng thức món bánh áp chao sẽ bớt đi phần nào được sự lạnh giá của mùa đông. Bánh áp chao Cao Bằng thoạt đầu nhìn rất giống món bánh rán mặn ở vùng đồng bằng nhưng thực ra hoàn toàn khác biệt.

Thành phần chính để làm bánh là gạo nếp, tẻ, đặc biệt hơn nhân bánh là thịt vịt chứ không phải thịt lợn như làm bánh rán. Bánh áp chao đối với người Cao Bằng không chỉ là món ăn thuần tùy mà còn là hương vị quê hương, một món ăn gắn liền với thế hệ nhiều người con Cao Bằng.

Rau dạ hiến

Rau dạ hiến Cao Bằng còn có cái tên khác thường gọi là rau bò khai. Đây là loại rau rừng mọc hoang dại. Dù là rau hoang dại nhưng không phải nơi nào cũng có. Rau thường mọc ở các khu có núi đá vôi. Thân cây rau bò khai dạng dây leo rất giòn và dễ bị gãy, loại rau này xào không với dầu ăn cũng vẫn ngon, rau xào xong vẫn giữ được độ giòn, hương vị có thể nói là hơi khai nhưng rất ngon và đặc biệt.

Bánh trứng kiến

Trứng của loài kiến ở đây là loại kiến đen, đặc điểm của loại kiến này là có hình dáng nhỏ, đuôi kiến nhọn và cong. Chỉ có trứng kiến đen mới ăn được còn các loài kiến khác thường có độc tố. Vào khoảng thời gian tháng 4 đến tháng 5 là mùa sinh sản của loài kiến đen này, người dân địa phương sẽ đi vào rừng tìm tổ kiến để lấy trứng đem về làm bánh. Trứng kiến đen rất giàu dinh dưỡng, có hàm lượng đạm cao. Ngoài làm bánh, trứng kiến đen còn được chế biến làm xôi trứng kiến cũng rất ngon.

Bánh trứng kiến, nhân bên trong là trứng kiến đen cùng với thịt băm, hành xào khô, vỏ ngoài bánh được nặn từ bột nếp, bọc bên ngoài là lá non của cây vả. Loại bánh này rất ngon và béo ngậy nhưng không phải ai cũng có thể ăn được, một số người cơ địa không hợp sẽ bị dị ứng. Bánh trứng kiến Cao Bằng là một món ăn nổi tiếng ở vùng đất sơn cước, một loại bánh mà không phải bất kỳ nơi đâu cũng làm ra được.

Miến dong đen

Miến dong đen hay miến dong Phia Đén là đặc sản nổi tiếng của Cao Bằng. Với điều kiện đất đai thổ nhưỡng thích hợp cho cây dong riềng phát triển, cùng với sự cần cù, khéo léo của người dân Cao Bằng đã tạo ra sản phẩm miến dong chất lượng.

Miến dong được làm hoàn toàn bằng các nguyên liệu tự nhiên, không có bất kỳ một loại chế phẩm hóa chất nào. Sợi miến giòn và dai, ngay cả khi nấu chín để lâu cũng không bị bở. Miến được nạt vào từng bó nhỏ, sợi miến bóng có màu xám đen, miến luôn có mùi thơm của bột dong tự nhiên. Miến dong Cao Bằng được sản xuất chủ yếu ở huyện Nguyên Bình, thường là các hộ gia đình cá nhân nhỏ lẻ sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống. Hương vị miến dong Nguyên Bình luôn đặc biệt. Miến dong cũng là một món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ Tết của người Cao Bằng.

Phở chua Cao Bằng

Phở chua không chỉ là món ăn đặc sản của vùng đất Cao Bằng mà món ăn này cũng là một trong những món ăn đặc sản của Việt Nam. Phở được ăn khô và nguội, rất thích hợp thưởng thức vào tiết trời mùa thu, mùa hè. Bánh phở làm phở chua rất dẻo nhưng không hề bị nhão, phở được trộn với thịt, vịt quay, lạc rang, rau sống… tất cả các nguyện liệu được trộn đều khi ăn mang đến một hương vị đậm đà khó quên, ăn xong vẫn còn muốn ăn thêm nữa.

Đậu phụ

Khí hậu và thổ ngưỡng Cao Bằng thích hợp cho cây đỗ tương phát triển, chất lượng đỗ tương ở đây luôn đạt được đến chuẩn dinh dưỡng cao. Đây cũng chính là nguyên liệu tuyệt vời để chế biến ra món ăn dân dã đậu phụ Cao Bằng ngon đặc biệt.

Đậu phụ Cao Bằng ăn trực tiếp, chấm mắm ớt chanh hoặc mắm tôm cũng đều ngon. Ngoài ra đậu phụ còn được chế biến thành nhiều món ăn chiên xào khác nhau nhưng hương vị và chất lượng luôn ổn định, đó là mềm, ngon, béo ngậy.

Các món từ ong bò vẽ

Ong bò vẽ là một loại ong độc và hung dữ, vết chích của ong bò vẽ có thể không chết người nhưng lại đau đớn vô cùng nếu người bình thường không may bị ong trích. Loài ong này ghê gớm là thế, nhưng ở Cao Bằng, ong bò vẽ được người dân địa phương tìm bắt rất nhiều, đem chế biến thành các món ăn đặc biệt.

Ong bò vẽ ở đây không phải là ăn các con ong to đen xì đã trưởng thành mà chỉ ăn nhộng ong mà thôi. Ong đen thường để ngâm rượu. Nhộng ong màu trắng, có nhộng cũng đã hình thành con ong non nhưng vẫn ăn được. Sau khi tách nhộng ong khỏi tổ sáp, nhộng được xào với măng chua hoặc măng thường, nhộng ong béo ngậy và bùi rất ngon cùng với vị chua của măng, ăn nhâm nhi cùng với rượu thì quá là tuyệt. Nhộng ong ngoài xào mới măng chua còn được chế biến với gạo nếp nấu thành cháo nhộng ong ăn cũng rất thơm ngon.

Xôi trám

Trám thường vào giai đoạn mùa thu sẽ cho quả rụng đầy gốc, do vậy nếu có dịp đến với Cao Bằng vào khoảng thời gian này, bạn sẽ được thưởng thức món xôi trám đặc biệt tuyệt ngon.

Trám thường có hai loại: trám đen và trám trắng. Trám đen là loại trám ngon hơn cả, đây cũng chính là nguyên liệu chính để làm xôi. Xôi trám Cao Bằng được chế biến đơn giản nhưng điều đặc biệt trám lại có tác dụng bồi bổ cơ thể và rất tốt cho sức khỏe. Quả trám có nhiều công dụng khác nhau, trám có thể chế biến làm mứt, kẹo… hay có thể làm thuốc để chữa ho, giải rượu…

Cá trầm hương

Loại cá này có nhiều ở khu vực Thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh. Tên của cá gắn liền với một loại cây đó là cây trầm hương. Do cá này chỉ ăn rễ và lá mục của cây trầm hương. Chính vì vậy thịt của cá trầm hương rất thơm ngon.

Cá trầm hương thường được đem đi nướng, vì đây là cách chế biến có thể lưu giữ lại được nhiều nhất hương vị nguyên sơ của cá trầm hương. Cá tươi sống vừa được bắt lên đem mổ, làm sạch rồi nhét các loại gia vị vào bụng cá, sau khi tẩm ướp xong cá được bọc qua lớp lá chuối rồi đem ra than để nướng. Cá nướng được chấm với nước mắn, mùi cá chín thơm ngào ngạt, thịt cá ngọt, mềm và vẫn có độ dai nhất định, món ăn ngon này sẽ khiến bạn nhớ đến không thể nào quên.

Cá chiên sông Gâm

Một vị chủ quán ở Hà Nội từng đánh giá cá chiên sông Gâm là một loại cá ngon nhất để làm món Chả cá Lã Vọng. Ngoài thịt cá thơm ngon thì bộ lòng cá chiên cũng được các đầu bếp chế biến thành một món ăn đặc biệt ngon khó quên.

Cá chiên sông Gâm không có sẵn, vì loại các này rất khó đánh bắt ngoài tự nhiên, cá thường sống trong các hang động ngầm sâu dưới lòng sông Gâm. Do vậy, khi bất kỳ con cá chiên nào được đánh bắt lên sẽ có người đến tận nơi để mua ngay.

Nằm khâu

Đây là món ăn đặc biệt hay có vào các ngày cỗ cưới của các đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng. Nằm khâu Cao Bằng mới nghe cái tên thì hơi lạ nhưng thực chất vẫn là món khâu nhục quen thuộc như ở các vùng miền khác.

Nguyên liệu chính để chế biến món nằm khâu là thịt lợn, thường là thịt ba chỉ, nấu cùng với các gia vị khác. Món ăn này chỉ nên ăn khi nóng, để nguội sẽ mất đi độ ngon, độ mềm của thịt. Nhìn bên ngoài thì có vẻ nhiều dầu mỡ, nhiều người sẽ cảm thấy ngấy, nhưng khi ăn vào, từng sợi thịt với hương vị đậm đà tan trên đầu lưỡi sẽ là một cảm nhận vị giác khó quên.

Bánh khảo

Ở vùng đồng bằng có lương khô thì ở Cao Bằng có bánh khảo. Bánh khảo Cao Bằng từ lâu đã là một loại bánh nổi tiếng. Khi mỗi dịp lễ Tết diễn ra, bánh khảo là một món ăn truyền thống không thể thiếu của người dân Cao Bằng.

Bánh có hương vị ngọt, nhân bánh bằng đường lạc hoặc vừng. Bánh được gói vào giấy có nhiều màu sắc khác nhau, nhìn rất bắt mắt. Bánh khảo tuy chế biến đơn giản nhưng để làm được bánh khảo ngon thì không phải ai cũng làm được. Người chế biến cũng cần có sự khéo léo y như nghệ nhân vậy. Điều đặc biệt là bánh khảo có thể để được rất lâu, không hề bị mốc hay thiu, chỉ cần bảo quản tránh cho bánh bị quá ẩm là được, nên vậy người Cao Bằng thường bảo nhau, nếu nhà nào vẫn còn bánh khảo thì nhà đó vẫn còn Tết.

Nạp sườn hun khói

Nạp sườn hun khói Cao Bằng được chế biến khác hoàn thoàn so với món lạp sườn hun khói ở các nơi đồng bằng. Giai đoạn chế biến cầu kỳ hơn.

Các nguyên liệu chính để chế biến món nạp sườn là lòng lợn non, thịt lợn (loại thịt thăn hoặc thịt vai), mật ong, rượu, mía và các gia vị khác. Lòng lợn non được cắt ra theo độ dài hợp lý, sau đó rửa sạch qua nước nhiều lần, tiếp đến lại rửa tiếp bằng rượu. Việc làm này sẽ loại bỏ được các vi khuẩn có hại trong lòng non. Sau khi đã rửa và vệ sinh sạch sẽ, lòng lợn non sẽ được đem phơi cho khô ráo nước, người chế biến sẽ bơm hơi vào cho đoạn lòng thành dạng bong bóng khí. Lòng lợn này đóng vai trò làm vỏ bên ngoài của món nạp sườn. Nhân nạp sườn sẽ được chuẩn bị đồng thời cùng khâu làm lòng, nhân sẽ được tẩm gia vị thật kỹ, các loại gia vị ở đây chủ yếu là mật ong, rượi, tiêu, ớt… Sau khi thịt đã được ướt tầm đủ thời gian, nhân sẽ được nhồi vào bong bóng lòng lợn non để thành nạp. Giai đoạn chế biến cuối cùng là đem nạp sườn phơi nắng (khoảng 3 nắng), sau đó hun khói nạp sườn bằng mía sẽ cho thịt nạp sườn thơm ngon hơn.

Hạt dẻ Trùng Khánh

Đặc sản này chỉ có duy nhất ở Cao Bằng, đây là niềm tự hào của vùng đất biên giới. Khách đi du lịch đến Cao Bằng chắc chắn sẽ không quên mua một ít hạt dẻ Trùng Khánh Cao Bằng về làm quà.

Hạt dẻ Cao Bằng có kích thước gần bằng hạt cây bàng, hạt dẻ dạng tròn, vỏ rất cứng có lông tơ, bên trong lớp vỏ này là nhân hạt có hương vị tuyệt ngon. Hạt dẻ có thể luộc hoặc nướng đều ngon hết, thường thì hạt dẻ nướng sẽ ngon hơn vì nướng sẽ giữ nguyên được hết các hương vị thơm ngon béo ngậy của nhân hạt. Mùa thu là mùa thu hoạch hạt dẻ ở Cao Bằng.

Bò gác bếp

Cao Bằng cũng là vùng đất chăn nuôi gia súc rất phát triển, đây chính là nguồn nguyên liệu tươi sống an toàn để chế biến món đặc sản trứ danh bò gác bếp Cao Bằng.

Thịt bò được chế biến sạch, sau đó tẩm ướp các loại gia vị như muối, gừng, rượu… Sau khi tẩm ướp xong, thịt được sâu lại bằng nạt tre rồi sau đó đem treo lên gác bếp. Thời gian để gác bếp thịt là khoảng 10 đến 15 ngày. Hơi nóng của lửa và khói bếp sẽ làm cho các sợi thịt săn lại. Cách ăn thịt bò gác bếp Cao bằng cũng khác so với các nơi khác, thường thì khi gác bếp hun khói xong là mọi người xé thịt ra đem nhắm với bia rượu, nhưng thịt bò gác bếp Cao Bằng phải ngâm trong nước trước cho thịt mềm ra, sau khi thịt mềm đem rửa sạch và thái thành các lát mỏng, sau đó đem lên vào chảo xào với mỡ cùng tỏi và gừng tươi, cho nước và đun đến khi thịt mền là dùng được.

Địa chỉ, quán ăn ngon nổi tiếng ở Cao Bằng các bạn có thể tham khảo:

Nhà hàng Chi Sùng – Địa chỉ: 222 Vườn Cam, phường Hợp Giang, Tx. Cao Bằng. Điện thoại: (84-26) 385 2186.
Nhà hàng Hoa Đào – Địa chỉ: Kim Đồng, phường Hợp Giang, Tx. Cao Bằng. Điện thoại: (84-26) 385 2779 / 385 4962.
Nhà hàng Oanh Trị – Địa chỉ: Phố Thầu, phường Hợp Giang, Tx. Cao Bằng. Điện thoại: (84-26) 385 2797.
Nhà hàng Thanh Trung – Địa chỉ: 126 Bế Văn Đàn, Tx. Cao Bằng. Điện thoại: (84-26) 385 3513.
Nhà hàng Triệu – Hùng – Địa chỉ: Phố Hồng Thái, huyện Quảng Uyên. Điện thoại: (84-26) 382 0206.
Nhà hàng khách sạn Bằng Giang – Địa chỉ: Kim Đồng – Thị Xã Cao Bằng – Cao Bằng. Điện thoại: (84-26) 3853 431.
Nhà hàng Huyền Linh – Địa chỉ: Thị Xã Cao Bằng – Cao Bằng. Điện thoại: (84-26) 3856 802.
Nhà hàng Dân Tộc Quán – Địa chỉ: Đường 3/10 – Thị Xã Cao Bằng – Cao Bằng. Điện thoại: (84-26) 3850 878.
Nhà hàng Ánh Hương – Địa chỉ: Đường 3/10 – Thị Xã Cao Bằng – Cao Bằng. Điện thoại: (84-26) 3857 847.

Lưu trú tại Cao Bằng

Hầu hết các khách sạn và nhà nghỉ tập trung tại trung tâm thành phố Cao Bằng. Ngoài ra khu vực thác Bản Giốc, trung tâm huyện Trùng Khánh và một số huyện thị khác cũng có dịch vụ nhà nghỉ và khách sạn nhưng số lượng không nhiều. Giá nhà nghỉ dao động trong khoảng từ 150.000 đến 500.000 VNĐ / người tùy theo chất lượng. Lượng khách du lịch hàng năm đến Cao Bằng luôn tăng theo thời gian nên về cơ bản hệ thống dịch vụ lưu trú, ngủ nghỉ tại Cao Bẵng vẫn luôn được mở rộng và nâng cấp.

Khi bạn đi phượt Cao Bằng nếu các bạn đi tham quan Khu di tích lịch sử Pác Pó bạn nên nghỉ tại thành phố Cao Bằng. Nếu đi phượt thác Bản Giốc ngay, bạn có thể lựa chọn nghỉ ngơi tại khu vực thác hay ra trung tâm huyện Trùng Khánh sẽ thuận tiện hơn.

Homestay ở Cao Bằng: Dịch vụ homestay ở Cao Bằng tuy số lượng chưa có nhiều như ở Sa Pa, Hà Giang nhưng cũng vừa đủ đáp ứng như cầu ngủ nghỉ của khách du lịch. Homestay ở Cao Bằng tập chung chủ yếu ở thanh phố Cao Bằng, khu vực thác Bản Dốc, Quảng Uyên.

Những điều lưu ý khi du lịch Cao Bằng

  • Các cung đường lên Cao Bằng chủ yếu là đường đèo, lượng lưu thông lớn nên bạn phải đi cẩn thận, mang đầy đủ giấy tờ, quần áo bảo hộ, mũ bảo hiểm chắc chắn và tuân thủ luật giao thông. Ngoài ra, bạn cũng nên mang theo xăng, dụng cụ sửa xe….
  • Mang đầy đủ giấy tờ tùy thân vì Cao Bằng là khu vực biên giới.
  • Nên mang theo thuốc, kem chống nắng, thuốc chống côn trùng và đồ cá nhân để đề phòng sự cố dọc đường, cũng như khi tham quan, du lịch…
  • Mặc những trang phục gọn nhẹ, thông thoáng và thấm hút tốt. Nên đi giầy thể thao, chống nước và có đai bảo vệ đầu gối, khủy tay…
  • Khi thăm quan hang Pắc Pó hãy chú ý cẩn thận và biển chỉ dẫn những con suối ngầm nguy hiểm nhé.

Có một vài phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng mà các bạn cần biết để tránh các điều kiêng kị, nhất là khi vào thăm các bản làng hay ở các dịch vụ homestay

  • Khi vào nhà, nếu thấy ở cửa nhà, đầu cầu thang có cắm một cành lá xanh, đó là dấu hiệu không muốn người lạ vào nhà.
  • Trong nhà, bàn thờ thường để ở gian giữa nhìn ra cửa chính. Khách khi đến chơi cần tránh đến gần, không đặt các vật dụng cá nhân, không sờ tay lên đồ thờ cúng. Nữ giới không được ngồi quay lưng vào bàn thờ.
  • Người Nùng thường đặt ống hương ở ngoài sàn để cúng ma gầm sàn, người lạ không đến gần ống hương đấy
  • Người Tày có tục thờ Phi Phỉng Phjầy (ma bếp lửa), khách đến cần tránh việc to tiếng hay cãi lộn bên bếp lửa. 

Trên đây là tất cả thông tin cần thiết cho chuyến du lịch Cao Bằng. Smile Travel chúc quý khách có 1 chuyến đi vui vẻ!

 

══════════════════════════
☢️ Chúng tôi chuyên Tour du lịch Trong Nước, Tour du lịch Nước Ngoài, cập nhật tour khởi hành hàng tháng, tour khởi hành hàng ngày, tour du thuyền Hạ Long, Dịch vụ bán vé máy bay, vé tàu hỏa, đặt phòng khách sạn, dịch vụ visa du lịch…. Mọi chi tiết xin liên hệ chúng tôi để được phục vụ ‼️
————————————————–

SMILE TRAVEL Co.,LTD
? Văn phòng GD: Số 4 Ngõ 266 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, HN.
? E-mail: info@smiletravel.com.vn ? Tel:  024.66.86.62.87
? Hotline tư vấn 24/7: 0️869 167 868
? Dịch Tour: 0865 283 168 – 0865 238 168
? Dịch Visa:  0988 989 973 – 0865 382 168
? Website: www.smiletravel.com.vn or www.tourduthuyenhalong.vn

– GPKD Lữ Hành Quốc Tế: 01-1051/TCDL-GP LHQT
– MST: 0106885169





Source link