Home Thông tin du lịch Tin tức du lịch Du lịch cố đô Hoa lư không nên bỏ qua những địa...

Du lịch cố đô Hoa lư không nên bỏ qua những địa điểm này

19


Du lịch cố đô Hoa lư không nên bỏ qua những địa điểm này

Khái quát về cố đô Hoa Lư

Di tích lịch sử – văn hóa Cố đô Hoa Lư là một quần thể di tích quốc gia đặc biệt. Lần đầu tiên trong lịch sử, Hoa Lư đã trở thành kinh đô của Nhà nước Phong kiến Trung ương tập quyền của Việt Nam. Nơi phát tích sự nghiệp 3 triều đại: Đinh – Tiền Lê và khởi đầu triều Lý. Trải qua thăng trầm của lịch sử, các công trình trong cố đô xưa đã bị hư hỏng nghiêm trọng hoặc không còn nữa. Các triều đại kế tiếp vẫn luôn hướng về Hoa Lư, cho tu bổ thêm nhiều công trình văn hóa – lịch sử, để hôm nay du khách về thăm quan, chiêm bái Cố đô Hoa Lư có dịp tìm hiểu sâu sắc hơn về vùng đất – một thời đã là đế đô danh tiếng, hiện còn để lại nhiều dấu tích huy hoàng.

Cố đô Hoa Lư

Hiện nay, Cố đô Hoa Lư có hơn 30 di tích liên quan đến hai triều Đinh – Tiền Lê, đa dạng về loại hình thờ tự, gồm: lăng tẩm, đền, miếu, phủ, chùa. Một số di tích nổi tiếng như: chùa Nhất Trụ, Đền thờ Thục tiết công chúa, Phủ Kình Thiên, Xuyên Thủy động…Nhưng trong các di tích này tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất phải kể đến là đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành. Hai công trình này được xây dựng và trùng tu kế tiếp nhau qua nhiều triều đại, nhưng hiện nay vẫn mang đậm nét phong cách kiến trúc thời Hậu Lê (Thế kỷ XVII).

Cấu tạo của cố đô Hoa Lư

Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích quy hoạch 13,87 km² thuộc tỉnh Ninh Bình. Với bề dày thời gian hơn 1000 năm, Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại, bao gồm

  • Vùng bảo vệ đặc biệt có diện tích 3 km² gồm toàn bộ khu vực bên trong thành Hoa Lư, trong vùng có các di tích lịch sử: đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền Vua Lê Đại Hành, lăng vua Đinh, lăng vua Lê, đền thờ Công chúa Phất Kim, chùa Nhất Trụ, phủ Vườn Thiên, bia Câu Dền, chùa Kim Ngân, hang Bim, chùa Cổ Am, chùa Duyên Ninh, phủ Chợ, sông Sào Khê, một phần khu sinh thái Tràng An và các đoạn tường thành, nền cung điện nằm dưới lòng đất…
  • Vùng đệm có diện tích 10,87 km² gồm cảnh quan hai bên sông Sào Khê và quần thể Tràng An. Trong vùng có các di tích lịch sử: động Am Tiên, hang Quàn, hang Muối, đình Yên Trạch, chùa Bà Ngô, hang Luồn, hang Sinh Dược, hang Địa Linh, hang Nấu Rượu, hang Ba Giọt, động Liên Hoa, đền Trần, phủ Khống, phủ Đột, hang Bói…
  • Các di tích liên quan trực tiếp gồm các di tích không nằm trong 2 vùng trên nhưng có vai trò quan trọng đối với quê hương và sự nghiệp của triều đại nhà Đinh. Như chùa Bái Đính, cổng Đông, cổng Nam, động Thiên Tôn, động Hoa Lư, đền thờ Đinh Bộ Lĩnh và quần thể di tích thờ Vua Đinh ở Ninh Bình…

Một phần cố đô Hoa Lư được chụp từ trên cao

Tường thành bao quanh cố đô Hoa Lư

Thành Hoa Lư được bao quanh bởi núi đá vôi và tường thành nhân tạo đan xen nhau. Theo Lã Đăng Bật, tác giả cuốn 7 di tích – danh thằng Ninh Bình nổi tiếng, sau nhiều lần nghiên cứu và khai quật, kinh đô Hoa Lư được khẳng định có 13 đoạn tường thành nhân tạo. Vua Đinh Tiên Hoàng đã biết khai thác triệt để thiên nhiên để phục vụ cho con người. Lối kiến trúc này tiết kiệm tối đa sức người và sức của. Chỉ cần bịt kín các vách núi, nghĩa là đắp thêm những tường thành nhân tạo để nối các dãy núi lại với nhau là có những vòng thành kiên cố. Chiều dài các núi tạo nên thành thiên nhiên khoảng 8 km.

Tường thành bao quanh kinh đô Hoa Lư được xây dựng bằng gạch, đất đá và gỗ. Chiều dài của các tường thành nhân tạo khoảng 2 km, tường ngắn nhất là 65 m. Những tường thành này được đắp cao từ 8 đến 10 m, có đoạn xây kín bằng đất ken gạch, chân thành bó gạch; có đoạn phía trong xây gạch, phía ngoài đắp đất; có đoạn đắp đá lẫn đất và có đoạn đắp hoàn toàn bằng đất. Móng thành được lát bằng những đoạn gỗ. Hiện nay dấu vết của 13 tuyến tường thành vẫn còn.Tường thành thiên nhiên là các dãy núi, có ngọn cao đến 200 m như ngọn Mồng Mang làm cho tường thành kinh đô Hoa Lư cao không đều, nhấp nhô nhưng bề thế, hoành tráng. Có thể nói tường thành Hoa Lư là tường thành của tạo hóa và con người.

Những điểm tham quan chính tại Cố Đô Hoa Lư

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được tọa lạc trên vị trí đắc địa, phía trước có núi Mã Yên làm tiền án, phía sau có dãy núi Phi Vân làm hậu chẩm. Đền được xây dựng mô phỏng theo lối cung điện, kết cấu kiểu “Nội công, ngoại quốc”. Mặt bằng tổng thể kiến trúc được bắt đầu bằng Ngọ môn quan, xây 2 tầng 8 mái. Đây là phong cách kiến trúc truyền thống mà người xưa muốn thông qua nó để thể hiện cách lý giải mang tính triết học về vũ trụ quan và nhân sinh quan.

Qua Ngọ môn quan đến hai lớp cửa có kiến trúc tương tự nhau là Nghi Môn Ngoại và Nghi Môn Nội. Nghi môn có kết cấu kiểu Ba hàng chân cột, được xây dựng vào thế kỷ XVII. Một Bảo vật quốc gia độc đáo được bài trí ở Sân rồng là Long sàng. Long sàng được tạc bằng đá xanh nguyên khối. Mặt Long sàng được chạm khắc họa tiết Rồng khá lớn với thân mập, phủ vảy đơn, đao mác lá hỏa

Có thể nói, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là công trình kiến trúc tưởng niệm vị anh hùng dân tộc tài ba, nhưng đồng thời nó cũng là sự kết tinh những giá trị đặc sắc trong nghệ thuật trạm khắc của người nghệ nhân qua các triều đại kế tiếp nhau.

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng

Đền vua Lê Đại Hành

Đền thờ vua Lê Đại Hành được xây dựng thế kỷ XVII. Kiến trúc tương tự như đền thờ vua Đinh. Nghi môn được chạm khắc đặc tả về hình ảnh hai cô tiên đang cưỡi rồng. Trong tư thế giang tay múa rất uyển chuyển, trang phục và nghệ thuật của các tiên nữ gợi ta liên tưởng đến điệu múa của vũ nữ Apsara. Hiên đền là sự phô diễn về kỹ thuật chạm khắc trên gỗ của người nghệ nhân thế kỷ XVII. Hoa Sen, hoa Cúc và Rồng cách điệu đã chiếm vị trí chính trong trang trí trên các mảng Chồng rường

Đền thờ vua Lê Đại Hành là di tích mà ở đó điêu khắc gỗ dân gian là điểm sáng trong kiến trúc truyền, nó tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê nói riêng và của nền kiến trúc cổ Việt Nam nói chung.

Đền thờ Vua Lê Đại Hành

Nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ

Để ghi lại dấu ấn lịch sử trọng đại, một hành trình lịch sử của đất nước từ khôi phục độc lập tự chủ đến thời kỳ phục hưng và phát triển mạnh mẽ. Năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 990 năm Hoa Lư – Thăng Long – Hà Nội, đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã dựng nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ.

Văn bia do Giáo sư, anh hùng lao động Vũ Khiêu soạn, đây là một áng văn hay theo thể biền ngẫu. Văn bia gồm 4 khổ.

  • Nội dung khổ 1: Thái tổ ta xưa – Viết về thân thế, sự nghiệp của vua Lý Thái Tổ.
  • Nội dung khổ 2: Sự nghiệp Hoa Lư thuở ấy – Ca ngợi sự nghiệp dựng nước, giữ nước của triều Đinh – Tiền Lê và công cuộc thiên đô của vua Lý Thái Tổ.
  • Nội dung khổ 3 và khổ 4: Truyền thống Hoa Lư bất diệt – Đất nước hôm nay – Kế thừa và phát huy truyền thống Hoa Lư bất diệt, hơn 10 thế kỷ qua, các thế hệ con cháu của vùng đất địa linh nhân kiệt Hoa Lư – Ninh Bình đã đoàn kết, dũng cảm, kiên trung cùng với quân dân cả nước lập nên những chiến công hiển hách, làm rạng danh cho quê hương đất nước, làm cho truyền thống Hoa Lư mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc

Nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ

Khu khai quật

Năm 968, sau khi thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt Quốc hiệu Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư “ đắp thành đào hào, làm cung điện, đặt triều nghi” (ĐVSKTT). Năm 980, Lê Đại Hành lên ngôi kế tục sự nghiệp triều Đinh, ông đã cho xây dựng rất nhiều cung điện nguy nga, tráng lệ “ làm điện ở núi Đại Vân, trang sức bằng vàng bạc, dùng làm nơi vua coi chầu. Phía Đông là điện Phong Lưu, phía Tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc. Lại làm lầu Đại Vân và điện Trường Xuân làm chỗ ngự tẩm. Bên điện Trường Xuân dựng điện Long Lộc, lợp bằng ngói bạc” (ĐVSKTT).

Trải qua thăng trầm của lịch sử, hiện nay các cung điện dát vàng, dát bạc của thế kỷ X không còn nữa. Để chứng minh về kinh thành Hoa Lư, ngành văn hóa của tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, thám sát và khai quật nhiều lần. Kết quả cho thấy trên mặt bằng của Cố đô Hoa Lư hiện còn nhiều các di vật liên quan tới triều Đinh-Tiền Lê. Theo chính sử, núi Phi Vân (Đại Vân) thuộc khu thành Ngoại là trung tâm của kinh đô Hoa Lư với việc xây dựng rất nhiều cung điện. Hiện nay, xét về địa hình của Cố đô Hoa Lư thì vị trí tọa lạc của 2 ngôi đền thờ vua Đinh, vua Lê nằm liền kề với núi Phi Vân. Do vậy, năm 1998, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật về phía nam đền thờ vua Lê, cũng đồng thời là khu đất bằng phẳng giữa 2 ngôi đền. Kết quả cho thấy, dưới độ sâu 0,95m đã phát hiện được vết tích nền móng cung điện thời Đinh – Tiền Lê.

Vết tích nền móng cung điện thời Đinh – Tiền Lê, thế kỷ X

Qua kết quả của công tác khai quật, các nhà khảo cổ cho rằng khu trung tâm của kinh đô Hoa Lư được bao bọc bởi dãy núi Phi Vân ở phía tây, dãy núi Hang Quàn ở phía đông, đồng thời được bảo vệ bởi 2 tường thành nhân tạo: tường Vầu chắn về phía nam. Tường Chẹm chắn mặt bắc.

Khu Lăng mộ

Lăng vua Đinh Tiên Hoàng và lăng vua Lê Đại Hành được tọa lạc tại khu vực núi Mã Yên, ngọn núi làm Tiền án của đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng. Sau khi vua Đinh băng hà vào năm Kỷ Mão (năm 979), quần thần đã đưa linh cữu của Tiên đế an táng tại đỉnh núi Mã Yên để đề cao tinh thần thượng võ của nhà vua. Đại Việt sử ký toàn thư có chép: “rước linh cữu của Tiên Hoàng đế về chôn ở sơn lăng Trường Yên”. Khi vua Lê Đại Hành băng hà, quần thần cũng an táng về phía nam dưới chân núi Mã Yên, lăng dựa lưng vào núi Mã Yên làm hậu chẩm, tả hữu có hai dãy núi chạy dọc tạo hình thế tay ngai nên còn được gọi là Hoàn Ỷ sơn. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Ất Tỵ, năm thứ 12 (1005), mùa xuân, tháng ba , vua băng ở điện Trường Xuân gọi là Đại Hành Hoàng đế, sau nhân dân dùng miếu hiệu mà không đổi, chôn ở sơn lăng châu Trường Yên”. Theo quan niệm của người xưa, lăng vua Đinh, vua Lê đều được đặt vào nơi được gọi là “huyệt đế vương”.

Lăng vua Đinh được an táng trên khu đất khá bằng phẳng, xây theo kiểu cuốn vòm, được trang trí đề tài “lưỡng long chầu nguyệt”.

Lăng mộ Vua Đinh

Lăng vua Lê được xây dựng trong khuôn viên khá rộng nhìn ra cánh đồng xứ Hậu đường, xung quanh xây tường hoa bảo vệ. Lăng vua Lê cũng được xây theo kiểu cuốn vòm, trang trí họa tiết lưỡng long chầu lá đề và mặt hổ phù

Lăng mộ Vua Lê

Lăng vua Đinh, lăng vua Lê có vị trí liền kề với các di tích phụ cận liên quan tới triều Đinh-Tiền Lê như: đền thờ vua Đinh, đền thờ vua Lê, chùa Nhất Trụ, chùa Ngần, Phủ Bà chúa…rất thuận lợi cho du khách khi tham quan, chiêm bái. Đứng trên núi Mã Yên, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh Cố đô Hoa Lư với núi, sông, ruộng đồng, làng mạc quần tụ xung quanh tạo nên một thắng cảnh hữu tình, thơ mộng mà thiên nhiên đã ưu ái giành tặng cho con người và mảnh đất nơi đây.

Đền thờ công chúa Phất Kim

Đền thờ công chúa Phất Kim còn gọi là đền Thục tiết công chúa, hay phủ Bà chúa tọa lạc ở thôn Tam Kỳ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Tương truyền, nhân vật được thờ trong di tích là công chúa Phất Kim, con gái vua Đinh Tiên Hoàng. Đền xây dựng dưới triều Đinh (TK X), trải qua năm tháng đền đã được xây dựng lại vào thời Nguyễn.

Đền thờ công chúa Phất Kim được xây dựng trên khu đất có diện tích khoảng 500 m2, gồm 3 kiến trúc: đền thờ, tả vu và hữu vu. Phía trước khuôn viên đền là bức bình phong trang trí chữ “Thọ”, và bức đại tự “Các trung tử đế” (Dịch nghĩa: Lầu của con gái nhà vua). Tiếp đến là giếng Ngọc được xây hình bát giác, kè đá xung quanh. Qua khoảng sân nhỏ là vị trí của đền thờ.

Đền thờ công chúa Phất Kim

Đền được xây dựng theo kiểu chữ Đinh (J), gồm hai tòa: Tiền bái và Hậu cung, bờ nóc trang trí đề tài “lưỡng long chầu nguyệt”. Đền bài trí tượng Công chúa trong Khám thờ, đây là pho tượng nhỏ được tạc trong tư thế ngồi, tay theo kiểu kết ấn. Hai bên có tượng hai nàng hầu đứng trên bệ gỗ, mặc áo chùng mùa đỏ. Tất cả các họa tiết trang trí trên tượng mang phong cách mỹ thuật thời Nguyễn. Phía trước có bài vị đề “ Thục Tiết Công Chúa thần vị”.

Hàng năm, lễ hội truyền thống đền thờ Công chúa Phất Kim cũng nằm trong chương trình lễ hội truyền thống Trường Yên (từ ngày 8-10 tháng 3 âm lịch).

Chùa Nhất Trụ

Hoa Lư một vùng non nước hữu tình, đến với Hoa Lư du khách được khám phá vùng đất bao la, hùng vĩ của núi rừng, với những thắng cảnh tuyệt đẹp làm say đắm lòng người. Không chỉ vậy không gian dường như đưa ta trở lại với đất nước Việt Nam thời đầu lập quốc. Qua việc khám phá kinh đô cũ với một chút hoài cồ và niệm tự hào vô bờ. Hôm nay về thăm cố đô Hoa Lư du khách được chiêm bái rất nhiều danh lam thắng cảnh, đền chùa, phủ miếu thờ công thần, danh tướng của dân tộc. Một trong những điểm đến nổi tiếng nơi đây là chùa Nhất Trụ.

Nằm trong vùng bảo vệ đặc biệt của khu di tích Lịch sử Văn hoá Cố đô Hoa Lư thuộc Quần thể Danh thắng Tràng An, chùa Nhất Trụ là di tích có giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đặc sắc của kinh đô Hoa Lư xưa. Chùa còn lưu giữ được nhiều cổ vật gắn với lịch sử hình thành kinh đô Hoa Lư, nổi bật nhất là cột kinh bằng đá trước sân chùa. Nó đang được Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình lập hồ sơ trình thủ tướng chính phủ công nhận là bảo vật Quốc gia. Đến chùa Nhất Trụ, không ai có thể bỏ qua cột kinh Phật độc đáo được làm bằng đá đầy bí ẩn này.

Chùa Nhất Trụ

Xem thêm tour 1 ngày từ Hà Nội:

Xem thêm một số tour dài ngày

Smile Travel hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho các bạn.

Chúc các bạn có một chuyến trải nghiệm cố đô Hoa Lư thật vui vẻ và ý nghĩa!

SMILE TRAVEL Co.,LTD
? Văn phòng GD: Số 4 Ngõ 266 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, HN.
? E-mail: info@smiletravel.com.vn ? Tel:  024.66.86.62.87
? Hotline tư vấn 24/7: 0️869 167 868
? Dịch Tour: 0865 283 168 – 0865 238 168
? Dịch Visa:  0988 989 973 – 0865 382 168
? Website: www.smiletravel.com.vn or www.tourduthuyenhalong.vn



Source link